Saturday, 10 May 2014 02:42:37 GMT+7 | 3734 views Chợ lạc đà Al Ain, Abu Dhabi - UAE Trước chuyến đi, tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất với tôi, chỉ là những khái niệm mơ hồ về một đất nước xa xôi ven vịnh Persian với những tòa nhà chọc trời, bao bọc bởi hoang mạc mênh mông, lác đác đâu đó những chú lạc đà cô độc…
Trước chuyến đi, tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất với tôi, chỉ là những khái niệm mơ hồ về một đất nước xa xôi ven vịnh Persian với những tòa nhà chọc trời, bao bọc bởi hoang mạc mênh mông, lác đác đâu đó những chú lạc đà cô độc… Từ hàng ngàn hình ảnh trên Google images, tôi quyết định sẽ đến chợ lạc đà Al Ain.
Chiếc xe bus 50 chỗ nhẹ nhàng lăn bánh rời Dubai hòa vào đường cao tốc E66 để bắt đầu chặng đường 140km đến Al Ain, sau cùng thì màu xanh mát rượi của cỏ cây cũng phủ dần những trãng cát đỏ chói chang, so với Dubai hay Abu Dhabi thì Al Ain là một thái cực, không có những tòa nhà xé toạc bầu trời, cũng không có những dòng xe cộ tưởng chừng vô tận, thay vào đó là những hàng cây xanh rợp bóng ngút ngàn, mang lại cảm giác thật dễ chịu dưới cái nóng 48oC!
Thêm một chặng taxi, sau cùng tôi cũng tìm ra chợ lạc đà Al Ain để… thất vọng; không còn hình bóng những chú lạc đà ẩn hiện sau lớp bụi đỏ hoang mạc, hòa lẫn trong âm thanh hỗn độn của một phiên chợ du mục. Chợ ngày nào, giờ đã được quy hoạch ngay hàng thẳng lối, dãy chuồng trại được xây dựng kiên cố, phân lô đều tắp cho mỗi chủ trại, đa số là dân du mục đến từ Pakistan và Afghanistan.
Sự hiện diện của tôi, du khách duy nhất của buổi sáng hôm đó, ngay lập tức tạo được chú ý của họ, bắt đầu lân la mời chào vào “tham quan” chuồng trại và chụp ảnh lạc đà với nụ cười thân thiện, tuy nhiên, trang web Trip Advisor từng khuyến cáo, đừng bao giờ đặt chân vào nếu chưa thỏa thuận giá tiền “cát xê” lạc đà, bởi vào thì dễ nhưng ra rất khó, nếu không bỏ ra từ 100-200 dirham để mua lấy sự an toàn cho bản thân.
Tôi chọn người đàn ông trung niên có dáng vẻ phúc hậu để đặt vấn đề “Chụp lạc đà của ông bao nhiêu?”, Mohammad, đến từ Afghanistan trả lời thật dễ chịu “Cứ chụp đi, bao nhiêu cũng được, 10 hay 20 dirham gì đó…”, “10 dirham?”, “Ok, Ok”
...thỏa thuận chóng vánh, tôi bắt đầu bấm máy, thậm chí, còn nhờ Mohammad dẫn lạc đà đến chỗ có nguốn sáng tốt hơn và cứ thế… Tạm hài lòng với những khung hình của mình, tôi cám ơn và đưa Mohammad 10 dirham thì nhận được cái lắc đầu với khuông mặt lạnh tanh “Không, 10 dirham cho một lần chụp!”, tình huống này tôi từng gặp ở East Kalimantan, vậy mà vẫn không tránh khỏi sơ suất, từ 70 dirham xuống 50 dirham, sau cùng Mohammad cũng bằng lòng với mức giá 30 dirham!
Quy hoạch môi trường sống thường làm thay đổi tập quán, chợ lạc đà Al Ain cũng vậy, việc trao đổi mua bán không còn cần đến một lực lượng chăn thả gia súc hùng hậu nữa, thay vào đó là những chiếc xe cần cẩu, kẻ mua người bán thỏa thuận, trong tích tắc, chú lạc đà đã nằm gọn trong thùng xe với ánh mắt vẫn còn bàng hoàng.
Trời như đổ lửa khi tôi bắt xe về lại Dubai, không như mong đợi nhưng chặng đường gần 300km hoàn toàn xứng đáng cho những trải nghiệm về cuộc sống du mục đang ngày một phôi pha.
Al Ain, tháng 07/2012.
|